Hướng tới một nền công nghiệp công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho Việt Nam

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho Việt Nam

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho Việt Nam

Nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ) là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người (định nghĩa của Codex Alimentarius, cơ quan Liên hợp quốc giám sát các tiêu chuẩn về lương thực trên toàn thế giới).

Dưới tác động của tiến trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng giảm. Sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ dại…làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm. Trước tình hình này, việc phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi đúng đắn để nông nghiệp phát triển bền vững.

Kinh nghiệm từ các nước

Vấn đề xây dựng nền nông nghiệp xanh theo hướng sử dụng các biện pháp hữu cơ, các biện pháp sinh học thân thiện với môi trường đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, mang lại hiệu quả cao trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, trên thế giới đã có 130 nước canh tác theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 35,6 triệu ha, tổng doanh thu các sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đạt khoảng 55 tỷ USD.

Theo UNDP (Chương trinh phát triển Liên Hiệp Quốc), nông nghiệp hữu cơ phải thích hợp với điều kiện sinh thái trong vùng, sao cho có thể đảm bảo được khả năng tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên: nước, độ phì của đất, tính đa dạng sinh học…

Xem thêm: Kỳ tích nông nghiệp Israel – nền nông nghiệp hữu cơ

Ở nước Benin thuộc châu Phi, trước kia những người nông dân trồng rau sử dụng hoá chất để phòng trừ sâu bệnh với liều lượng ngày càng cao. Để kiếm lời, thậm chí họ sử dụng cả một số loại thuốc trừ sâu đôc hại đã bị cấm và cũng không hề tuân thủ số ngày tối thiểu ngưng phun thuốc trước khi thu hoạch. Trước tinh hình đó, OBEPAB, một tổ chức phi chính phủ, quyết định giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác nói trên bằng cách mở các lớp tập huấn về tác hại của thuốc hoá học, đặc tính các loại sâu bệnh và các loại côn trùng có ích, khả năng kiểm soát sâu bệnh bằng các biện pháp canh tác và sinh học. Một loạt thí nghiệm để chứng minh được triển khai và thu được kết quả rất thuyết phục đối với nông dân. Ở lô phun thuốc trừ sâu Decis (loại thuốc do nông dân chỉ định) 100% thiên địch (côn trùng có ích) bị diệt, nhưng chỉ 80% sâu bị chết. Phun dung dịch chiết xuất từ lá đu đủ diệt được 62% sâu hại, nhung chỉ làm thiệt hại 40% thiên địch; còn ở lô phun dung dịch chiết xuất từ lá cây neem (một giống cây sầu đâu) 72% sâu hại bị diệt và chỉ 33% thiên địch bị chết. Tất nhiên là chi phí phun Decis cao hơn nhiều so với phun dung dịch chiết xuất từ hai loại lá cây. Cùng với sự tuyên truyền về rau an toàn, những người nông dân áp dụng biện pháp sinh học để trừ sâu đã dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình với mức lời cao hơn và kết quả đó được nhân rộng nhanh chóng.

Vùng Zurich phía bắc Thuỵ Sỹ thì cho ra đời hợp tác xã sản xuất trái cây. Ý thức được tầm quan trọng và triển vọng của nông nghiệp hữu cơ, đầu tiên ba người nông dân đã thoả thuận cùng nhau hợp tác áp dụng nông nghiệp hữu cơ trên vườn cây ăn trái của mình. Tuy sản phẩm của họ không được to và đẹp như cách làm trước đây, nhưng an toàn và hương vị thơm ngon hơn, nhờ đó họ bán được với giá cao hơn.

Các biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh ngày càng được họ phát triển với hiệu quả cao. Rồi hợp tác xã được thành lập với số người tham gia tăng dần, thương hiệu trái cây hữu cơ (không có dư lượng hoá chất) của họ tạo được uy tín rông rãi trên thị trường. Sản phẩm dán nhãn hiệu trái cây hữu cơ của hợp tác xã được bán với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi sản phẩm thường.

Hợp tác xã ngày càng phát đạt với những cơ sở kiểm tra, đóng bao bì và các kho trữ hàng quy mô để có trái cây tươi bán trong mùa đông với giá cao hơn. Để bảo vệ uy tín thương hiệu, về sau những người nông dân muốn gia nhập hợp tác xã phải chấp nhận điều kiện làm xã viên dự bị hai năm; trong hai năm đó họ phải tuân thủ quy trình sản xuất của hợp tác xã, nhưng sản phẩm của họ chưa được dán nhãn của hợp tác xã để bán giá cao. Chỉ sau hai năm tập dợt và thử thách, nếu xã viên dự bị đáp ứng đầy đủ điều kiện của hợp tác xã, mới trở thành xã viên chính thức. Đó là dấu hiệu rõ nhất về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ đối với người nông dân.

Thay vì phân hoá học, nông nghiệp hữu cơ sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, chú trọng luân canh cây trồng để bảo vệ độ phì của đất và cắt vòng đời của sâu bệnh, áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhờ đó sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng được khôi phục. Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng cao các yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái.

Nhu cầu về nông sản hữu cơ (theo cách gọi có tính chất quy ước trên thế giới) ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài ngày càng cao. Chính phủ Anh đã quyết định trong vòng 10 năm sẽ tăng quy mô nông nghiệp hữu cơ lên 30% diện tích. Xuất khẩu rau quả hữu cơ là một tiềm năng lớn của các nước nhiệt đới, nơi có thể sản xuất được quanh năm.

Tuy nhiên để có được chỗ đứng trên thị trường, cần tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Ở các nước công nghiệp, sản phẩm hữu cơ chỉ được chấp nhận trên thị trường sau khi có sự xác nhận của một cơ quan kiểm định chất lượng độc lập, có uy tín. Việc kiểm tra không phải chỉ tiến hành đơn thuần trên sản phẩm sau thu hoạch mà cả quy trình sản xuất từ cách quản lý đất đai, phân bón, nước tưới, hệ thống luân canh, xen canh cây trồng, việc tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp, các biện pháp sinh học được ứng dụng để phòng trừ sâu bệnh, đến việc kết hợp chăn nuôi và trông trọt và cả quá trình bảo quản, vận chuyển.

Với những yêu cầu nói trên , việc phát triển nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải có tổ chức chặt chẽ. Trong giai đoạn đầu ở nước ta, do chưa có hệ thống kiểm định chất lượng thì vấn đề tạo lòng tin cho người tiêu dùng là rào cản lớn nhất mà một mình người nông dân không thể vượt qua. Trong vấn đề này sự liên kết “Bốn nhà” là giải pháp rất cần thiết. Sự kết hợp uy tín của các nhà khoa học hay cơ quan khoa học với uy tín của doanh nghiệp sẽ giúp tạo được phần nào lòng tin ở người tiêu dùng trong bước đầu.

Hướng sản xuất bền vững cho nông nghiệp Việt Nam

Theo PGS.TS Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, nông nghiệp hữu cơ là chiếc chìa khóa bảo đảm an ninh lương thực bền vững. Đồng thời làm giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng nguyên liệu hóa thạch, cắt giảm ô nhiễm do sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Từ đó chấm dứt thẩm thấu dư lượng hóa chất độc hại vào chuỗi thức ăn của chúng ta, xây dựng một hệ thống canh tác phục hồi nhanh, có khả năng chống trọi với biến đổi khí hậu, đảm bảo cung cấp thực phẩm tại địa phương và có hiệu quả cao trong tích lũy các bon. Đây là con đường và cách hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, hạn chế ở Việt Nam hiện nay.

Ở Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã biết đến từ lâu nhưng nó mới chỉ được quan tâm và nghiên cứu trong một vài năm trở lại đây, nhất là khi những vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đến mức báo động. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và phát triển còn chậm. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2010 cả nước có 21.000ha nông nghiệp hữu cơ. Hai năm sau diện tích cũng chỉ tăng thêm được 2.400ha, lên thành 23.400ha, chỉ bằng… 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Có thể nhận thấy một thực tế hiện nay là việc sản xuất, canh tác của bà con còn dựa quá nhiều vào các loại phân bón hoá học và lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Những điều về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất khi đất canh tác bị nhiễm độc, mất dần độ màu mỡ, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng và ảnh hưởng đến thu nhập và cả môi trường sống của bà con. Bên cạnh trồng trọt thì các vấn đề trong chăn nuôi như sử dụng thuốc tăng trọng, chất thải, vệ sinh chuồng trại… cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang ngày càng diễn biến một cách phức tạp, các cảnh báo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng nhiều. Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng và cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp hiệu quả chính là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của bà con nông dân, khuyến khích bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản của bà con.

Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng để khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, nhà nước cần phải vào cuộc với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, khuyến nông.

TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Sinh học TP HCM, cho biết đất nông nghiệp ngày càng ít, do đó cần phải quy định diện tích bao nhiêu phần trăm đất sử dụng sản xuất hữu cơ để bảo vệ môi trường, theo đó từng bước nâng tỉ lệ này lên.

Còn theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, thực tế phân bón hữu cơ đã có trong nhiều năm nhưng còn lộn xộn, phải được quy định rõ ràng, phải tính đến vấn đề dán nhãn trên sản phẩm cũng như có bộ tiêu chuẩn cho từng loại phân bón, chế phẩm hữu cơ.

Các chuyên gia còn lo lắng về vấn đề tiêu thụ vì sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu các chất phụ gia có hại đến sức khỏe phần lớn cho ra mẫu mã không đẹp, khó tiêu thụ trên thị trường. Từ đó không khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ vì sản xuất ra không tiêu thụ được. Do đó, giới khoa học cần nghiên cứu quy trình sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, mẫu mã đẹp để thị trường chấp nhận, từ đó mới có khả năng nhân rộng mô hình và phát triển quy mô lớn.

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình điểm để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán, cách nghĩ, cách làm của nông dân, sau đó tiến tới tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, công nghệ sinh học, giống mới và công nghệ sau thu hoạch vào phát triển sản xuất rau an toàn công nghệ cao cho họ canh tác. Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố, các doanh nghiệp,…tạo mối liên kết chặt chẽ với nông dân, hộ sản xuất và vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nông sản rau an toàn cho tiêu thụ và xuất khẩu. Thực hiện xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, đầu tư xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ nông sản (đặc biệt cho rau, củ, quả) tại điểm trung tâm thành phố, tổ chức hệ thống tiêu thụ và cung ứng rau an toàn trên địa bàn mỗi tỉnh, thành. Cơ quan chức năng và các công ty kinh doanh liên kết tổ chức việc thu mua nông sản sạch, rau an toàn xuất khẩu ra nước ngoài, song song với việc giới thiệu sản phẩm rau an toàn nhằm tăng khả năng tiêu thụ ra các tỉnh thành lân cận và cung cấp rau an toàn cho các thành phố lớn.

Có thể khẳng định, trước nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là việc hết sức cần thiết và quan trọng.

Canh tác nông nghiệp hữu cơ không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nguồn: NCSEIF

Leave a Reply

Call Now ButtonHotline: 0987.666.081